Trong cả phương Đông lẫn phương Tây, hình ảnh loài rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường.
Chúng ta hãy cùng điểm qua những bộ phim hay nhất có sự góp mặt của loài rồng trên màn ảnh1. The Hobbit: The Desolation of Smaug (2013)
The Hobbit: The Desolation of Smaug được đánh giá là hay nhất trong loạt phim. Phim cũng là bom tấn phòng vé với doanh thu 958,4 triệu USD trên toàn thế giới. Riêng với Smaug, kỹ xảo hiện đại cùng giọng lồng tiếng của tài tử Benedict Cumberbatch khiến nó trở thành một trong những nhân vật phản diện ấn tượng nhất.
2. How to Train Your Dragon (2010)
Bí kíp luyện rồng nhận được hai đề cử Oscar và nhiều giải thưởng lớn ở thể loại phim hoạt hình. Năm 2014, phần hai của phim ra mắt và cũng thu được thành công không kém phần một. Phần ba và cũng là phần cuối của loạt phim dự kiến ra rạp vào năm 2018.
Bí kíp luyện rồng được dựa vào loạt truyện cùng tên của Cressida Cowell và diễn ra trong một thế giới Viking huyền thoại. Ở đây, một thiếu niên trẻ tuổi có tên Hiccup mong muốn tiếp nối truyền thống của bộ tộc - trở thành thợ săn rồng. Hiccup bắt được con rồng đầu tiên và có cơ hội được bộ tộc chấp nhận. Nhưng khi đó, cậu nhận thấy mình không muốn giết con rồng. Thay vào đó, Hiccup làm bạn với nó.
3. Dragon Wars (2007)
Là phim của Hàn nhưng Dragon Wars lại có bối cảnh tại Los Angeles, Mỹ. Thành phố này bất ngờ bị một loài quái thú giống rồng tấn công. Trong hoàn cảnh đó, nam phóng viên truyền hình Ethan chợt nhận ra thân phận kiếp trước của mình là một chiến binh và sứ mệnh của anh là tiêu diệt những con quái thú.
4. Eragon (2006)
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách của tác giả Christopher Paolini và từng được kỳ vọng mở đầu một loạt phim đủ sức cạnh tranh với Harry Potter. Dù đạt được doanh thu khá tốt (cao gấp 2,5 lần chi phí sản xuất 100 triệu USD), bộ phim nhận nhiều ý kiến chê bai về chất lượng. Thậm chí, chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes còn xếp Eragon vào danh sách 10 phim dở nhất năm 2006. Điểm đáng nhớ nhất của bộ phim nằm ở việc Eragon là tác phẩm điện ảnh cuối cùng tại Mỹ được phát hành ở dạng băng video.
5. Reign of Fire (2002)
Reign of Fire có kỹ xảo ấn tượng ở thời điểm ra mắt. Bộ phim cũng quy tụ dàn diễn viên tài năng gồm Christian Bale, Matthew McConaughey và Gerard Butler. Tuy nhiên, tác phẩm này là một thất bại phòng vé khi chỉ thu về 82,15 triệu USD, trong khi kinh phí là 60 triệu USD.
6. Spirited Away (2001)
Nội dung phim xoay quanh cô bé Chihiro - người lạc vào thế giới linh hồn để cứu cha mẹ. Tại đây, Chihiro kết bạn với cậu bé Haku, thực chất là một chú rồng biến hình. Haku không ngại hy sinh để giúp Chihiro đánh bại kẻ thù trong thế giới linh hồn.
Spirited Away đang là bộ phim thành công nhất lịch sử điện ảnh Nhật Bản với 289 triệu USD doanh thu trên toàn thế giới cùng nhiều giải thưởng. Hai trong số đó là giải Oscar dành cho “Phim hoạt hình hay nhất” và giải Gấu Vàng của Liên hoan phim Quốc tế Berlin năm 2002. Spirited Away cũng thường xuyên có mặt trong các danh sách phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại. Mới đây, tác phẩm này đứng thứ tư trong cuộc bầu chọn “Những bộ phim hay nhất đầu thế kỷ 21” do BBC thực hiện dựa trên ý kiến của 177 nhà phê bình khắp thế giới.
7. Dragonheart (1996)
Dragonheart được giới phê bình khen ngợi về cách xây dựng nhân vật và hiệu quả hình ảnh. Kỹ xảo của phim tốt tới mức phim nhận được một đề cử Oscar ở hạng mục này. Thành công của Dragonheart dẫn đến sự ra đời của hai phần tiếp theo nhưng được phát hành dưới dạng băng đĩa.
8. The Neverending Story (1984)
Ở thời điểm ra mắt năm 1984, The Neverending Story là bộ phim đắt đỏ nhất (27 triệu USD kinh phí), từng được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Mỹ và Liên Xô (cũ). Tác phẩm này mới chỉ chuyển tải nửa đầu tiểu thuyết. Những chi tiết ở nửa còn lại được dựng thành phim 6 năm sau đó nhưng không thành công.
9. Dragonslayer (1981)
Dragonslayer là tác phẩm hợp tác giữa Disney và Paramount Pictures. Ở thời điểm ra mắt, bộ phim gây tranh cãi bởi nội dung chứa những yếu tố của người trưởng thành như bạo lực hay cảnh khỏa thân, khác hẳn những bộ phim trước đây của Disney. Điều này khiến Disney sau đó phải thành lập thêm Touchstone Pictures để sản xuất những phim dành cho người trưởng thành.
Dragonslayer rơi vào cảnh thu không đủ bù chi khi ra rạp. Nhưng bộ phim lại là lựa chọn yêu thích ở hệ thống video gia đình trong một thời gian dài. Phim nhận được một đề cử Oscar cho “Nhạc phim hay nhất”.
10. Pete’s Dragon (1977)
Pete’s Dragon nhận được hai đề cử Oscar cho “Bài hát trong phim hay nhất” và “Nhạc phim hay nhất”. Phiên bản làm lại vừa ra mắt khán giả và đang được trình chiếu khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Pete’s Dragon (2016) hiện giành được nhiều thiện cảm của giới phê bình và khán giả qua những phản hồi tích cực.
Nguồn: vungtv.com/blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét